Một lãnh đạo tuyệt vời có ảnh hưởng tích cực đến nhân viên, cải thiện năng suất làm việc và sự phát triển của tổ chức. Sếp tốt cũng là lí do để cấp dưới gắn bó với công việc, cống hiến hết mình hơn vì sự phát triển chung. Vậy như thế nào là người sếp tốt khiến nhân viên tận tâm làm việc?
1. Thuê nhân viên giỏi
Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn thường dành nhiều thời gian và công sức cho hoạt động tuyển dụng để tìm được nhiều tài năng cho công ty. Sau đó, họ lại tiếp tục dành nhiều thời gian cho việc đưa ra các chỉ tiêu rõ ràng về kỳ vọng, tiêu chuẩn, và trách nhiệm, đồng thời tích cực giới thiệu những người có năng lực vào các vị trí xứng đáng.
Công thức này đòi hỏi người lãnh đạo sẽ mất nhiều thời gian ban đầu nhưng kết quả mà nó mang lại cực kì xứng đáng với công sức bỏ ra.
2. Tạo ra các cơ hội cho nhân viên phát triển
Người quản lý chắc chắn sẽ phải hỗ trợ nhân viên trong việc đặt ra mục tiêu đúng đắn và tạo ra kế hoạch tốt nhất. Nhưng họ sẽ không kiểm soát nhân viên quá chặt chẽ và để nhân viên được tỏa sáng. Bằng cách hướng dẫn nhân viên khả năng tự lãnh đạo, sếp tốt sẽ trao quyền cho nhân viên nhiều hơn. Điều đó giúp họ có thể thỏa sức sáng tạo và đưa ra các đề xuất đột phá.
Khi sếp cho nhân viên thấy những gì họ có thể làm, hãy để họ tự lên kế hoạch, tự kiểm soát công việc và vai trò của họ trong công ty.
3. Quản lý nhân viên một cách linh hoạt
Bởi vì việc tìm kiếm nhân viên phù hợp tốn rất nhiều thời gian và công sức, nên những người lãnh đạo giỏi hiểu rằng họ bắt buộc phải đối xử với mỗi nhân viên như một cá nhân đặc biệt. Họ không đánh đồng mỗi nhân viên với một ai khác. Bằng cách tìm hiểu nhu cầu, thế mạnh và phong cách làm việc của từng người, sếp giỏi có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi và phù hợp để thúc đẩy năng suất cũng như nhiệt huyết của nhân viên.
Người sếp tốt thường dành thời gian lắng nghe và chia sẻ với nhân viên của mình. Theo thời gian, các mối quan hệ sẽ dần đơm hoa kết trái và thành công cũng đến nhanh hơn.
4. Có khả năng ra quyết định
Một người lãnh đạo sáng suốt sẽ không để sự trì hoãn ngăn cản việc đưa ra quyết định trong các cuộc họp quan trọng. Họ biết cách để cho mọi nhân viên thấy rằng họ nghiêm túc bằng cách giải quyết các vấn đề lớn mà không do dự, trì hoãn.
Còn đối với bản thân sếp, họ thường “đặt nguyên tắc lên trên cảm tính”. Điều này có nghĩa là họ để nguyên tắc làm việc dẫn lối các cuộc thảo luận hay đàm phán khó khăn, đối phó với những thử thách ngay lập tức thay vì để nó cản trở công việc.
5. Là sếp nhưng vẫn học hỏi không ngừng
Lãnh đạo không được sinh ra, họ được tạo ra. Việc đưa ra các quyết định và sự tương tác sẽ tăng cường kỹ năng lãnh đạo và xây dựng văn hóa công ty nếu người đứng đầu luôn giữ được tinh thần ham học hỏi.
Học hỏi và phát triển là bản chất của cuộc sống tốt đẹp. Khi liên tục cập nhật những kiến thức mới, những người làm lãnh đạo sẽ luôn là người tiên phong, không bao giờ sợ bị tụt hậu hay lỗi thời.
Theo Vieclam24h
Discussion about this post