Đàm phán lương luôn là một chủ đề nhạy cảm ở bất cứ lĩnh vực nào, công ty nào. Mặc dù theo khảo sát của PayScale có tới 75% người được hỏi cho biết họ nhận được mức lương cao hơn so với mặt bằng chung. Theo Business Insider, nếu không có kỹ năng đàm phán lương có thể khiến bạn mất đi khoảng 1 triệu cho tới 1.5 triệu USD trong suốt cuộc đời làm việc của mình.
Bản thân con số này thực sự khổng lồ, đặc biệt khi nghĩ tới các khoản hưu trí của bạn cũng được tính toán dựa trên mức lương thực nhận. Rõ ràng, lương là một vấn đề nhạy cảm nhưng bạn bắt buộc phải xử lý nó một cách rốt ráo và triệt để.
Có rất nhiều lời khuyên từ các chuyên gia nhân sự về cách giúp bạn có được mức lương như mong muốn. Nhưng hãy cẩn thận không phải lời khuyên nào cũng là lời khuyên tốt. Hãy tham khảo và tránh thật xa những mẹo đàm phán dưới đây nếu không muốn bị “hớ” khi đàm phán lương.
1. Tham khảo từ đồng nghiệp về mức thu nhập họ được công ty trả
Nhiều người tin rằng những thông tin được các đồng nghiệp tự tiết lộ luôn là thông tin có mức chính xác cao nhất. Tuy nhiên bạn không thể nào biết chắc chắn rằng đồng nghiệp hay người bạn của mình đang nói thật hay không, và cũng rất khó để bạn có thể so sánh từng trường hợp với nhau. Đôi khi bạn đồng nghiệp của bạn có những bằng cấp mà bạn không có, hoặc họ có kinh nghiệm ở những lĩnh vực tiềm năng giúp họ tăng lương nhanh hơn bạn.
Thay vào đó, bạn nên dành ra 10 phút để hoàn thành bản điều tra của Payscales để xem qua dữ liệu báo cáo tiền lương dựa trên hàng ngàn phản hồi từ những người làm cùng ngành nghề với bạn. Đây là cách giúp bạn có thể dự đoán chính xác mức lương mình sẽ nhận được.
2. Chẳng có vấn đề gì nếu bạn đề nghị một mức lương tốt hơn sau khi đã chấp nhận thỏa thuận với nhà tuyển dụng
Khi việc đàm phán kết thúc, bạn nên tạm chấp nhận mức lương hiện tại của mình nếu đã đồng ý với đề xuất của nhà tuyển dụng. Dĩ nhiên, bạn có thể đề xuất mức lương mới nếu thu nhập của bạn có chiều hướng đi xuống hoặc quá thấp so với mặt bằng chung. Tuyệt đối hạn chế trường hợp cố gắng đạt một thỏa thuận tốt hơn ngay khi vừa đồng ý với thỏa thuận của nhà tuyển dụng.
Thay vào đó, bạn nên kiên nhẫn chờ tới thời điểm đánh giá lại hiệu suất công việc trong tương lai, khi vừa ký được một hợp đồng lớn hoặc đã gắn bó với công ty từ một tới hai năm.
3. Bạn “phải” công bố mức lương từ công việc trước của mình cho nhà tuyển dụng
Tuyệt đối không nên tiết lộ mức lương ở công ty cũ của bạn dù chỉ là con số ước lượng nếu bạn cảm thấy không thoải mái. Trên thực tế, rất nhiều nơi ở nước Mỹ đã ban hành luật cấm nhân sự các công ty dò hỏi mức lương của ứng viên. Mục đích của việc làm này là để hạn chế tình trạng bất công đối với người lao động, giúp những người có mức lương thấp có thể cải thiện được thu nhập.
4. Vấn đề nam hay nữ không quan trọng khi đàm phán lương
Thật không may, nhưng nữ giới buộc phải đối mặt với nhiều vấn đề khi đàm phán lương hơn nam giới. Do đó chiến thuật đàm phán của hai bên sẽ khác nhau một chút. Một ví dụ tiêu biểu liên quan tới thu nhập từ công việc cũ. Theo dữ liệu từ Payscales, những người phụ nữ từ chối tiết lộ mức lương cũ của mình thường kiếm được ít hơn 1.8% so với những người thẳng thắn đưa ra một con số gần chính xác. Ngược lại, những ứng viên nam từ chối trả lời thông tin về thu nhập của mình lại thường được đề nghị mức lương cao hơn những người tiết lộ mức lương cũ.
Có thể sự khác biệt này bắt nguồn từ những quan niệm liên quan tới sự quyết đoán của phụ nữ.
5. Không đàm phán mà đồng ý với bất cứ đề xuất nào từ nhà tuyển dụng
Đàm phán lương có thể rất khó khăn và cân não với không ít người, nhưng nó rất quan trọng và hoàn toàn xứng đáng để bạn cố gắng chứng tỏ bản thân mình. Hãy nghĩ rằng lương là thành tố ảnh hưởng quan trọng tới chế độ phúc lợi sau này của bạn. Thậm chí chỉ cần một khoản tăng rất nhỏ trong hiện tại cũng sẽ trở thành một con số khổng lồ trong tương lai chục năm sắp tới. Vì vậy, hãy chuẩn bị thật kỹ và đừng để vuột mất cơ hội của mình.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Discussion about this post