Xu hướng tuyển dụng tại các doanh nghiệp hiện nay là quyết định dựa trên yếu tố phù hợp văn hóa hơn là yếu tố năng lực bởi yếu tố phù hợp này cũng chính là yếu tố đầu tiên tác động đến sự lựa chọn, quyết định nộp hồ sơ của ứng viên. Ấn tượng ban đầu về cách hành xử chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp ở bộ phận tuyển dụng và con người tham gia đón tiếp, phỏng vấn sẽ đọng lại khá sâu trong tâm trí ứng viên. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển của ứng viên.
Văn hóa tuyển dụng cũng phần nào nói lên văn hóa doanh nghiệp. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp không xây dựng văn hóa tuyển dụng mà mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến ứng viên ngao ngán và không muốn ứng tuyển vào công ty. Dưới đây sẽ là 5 sai lầm các nhà tuyển dụng cần tránh để thu hút nhiều ứng viên hơn.
Sự phân biệt khi đăng tin tuyển dụng
Nhiều mẫu quảng cáo tuyển dụng thể hiện sự phân biệt về tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân hay thậm chí ngoại hình của ứng viên. Cũng có nhiều công ty phân biệt cả về hộ khẩu hay nơi cư trú, chính những phân biệt này khiến ứng viên bị thiệt thòi, khó có cơ hội tìm việc làm. Thực tế cho thấy rằng những người có chút nhược điểm về ngoại hình, hơi lớn tuổi hay hộ khẩu tỉnh thì luôn tự nhận thức được nên họ thường chăm chỉ, cần mẫn và ít đòi hỏi hơn người khác.
Yêu cầu giấy tờ hồ sơ phức tạp
Một số công ty yêu cầu ngay từ đầu phải chuẩn bị bản photocopy có công chứng hàng loạt giấy tờ. Với các yêu cầu này, công ty đã vô tình làm mất cơ hội tìm được ứng viên giỏi. Bởi ứng viên giỏi, có kinh nghiệm và thực lực thông thường chỉ đồng ý bổ sung các loại giấy tờ này sau khi đã được phỏng vấn và được chấp nhận sơ bộ. Nếu như việc phỏng vấn hoàn toàn có thể được tiến hành với một bản tóm tắt lý lịch và đơn xin tuyển dụng của ứng viên. Một khi hai bên cùng nhìn được lợi ích chung, có nhu cầu và mong muốn tiến xa hơn thì việc bổ sung các giấy tờ cần thiết để hợp thức hóa cũng không phải là đã muộn.
Xem phỏng vấn như ban một ân huệ
Phần đa số các công ty xem việc mời ứng viên đến văn phòng phỏng vấn như ban một ân huệ. Họ gọi điện thoại mời ứng viên đến phỏng vấn sau đó cho đợi hàng giờ, không một lời xin lỗi. Việc chậm trễ không riêng đối các ứng viên cấp thấp còn với những ứng viên cấp cao cũng bị muối mặt ngồi nhìn nhau cùng chờ. Không ít ứng viên đã bực tức bỏ về bởi sự thiếu tôn trọng này.
Thái độ thiếu lịch sự
Những câu hỏi cộc lốc thiếu sót nhân xưng, những cái hất hàm, ra hiệu tỏ vẻ coi thường, những ánh mắt dò xét … thể hiện quan điểm ứng viên là người đang xin việc còn công ty là người nắm quyền cho việc. Dường như ít người chịu nhận thức rằng quan hệ lao động là quan hệ hợp tác bình đẳng, minh bạch, hai bên đều có lợi.
Không hồi âm ứng viên
Đối với nhiều công ty, sau buổi phỏng vấn tuyển dụng ứng viên sẽ không biết được là buổi phỏng vấn có hứa hẹn điều gì về sau hay không. Các nhà tuyển dụng thường chọn im lặng và không phản hồi lại ứng viên. Chính điều này phần nào cũng đánh giá không tốt về sự chuyên nghiệp tại công ty. Điều lịch sự tối thiểu luôn yêu cầu doanh nghiệp có những lời cảm ơn và thông báo kết quả đến ứng viên được mời phỏng vấn tuyển dụng
Đây là những điều nhà tuyển dụng chưa thể hiện đúng mực văn hóa tuyển dụng. Vậy nên làm sao để xây dựng văn hóa tuyển dụng và thể hiện sự chuyên nghiệp?
Hãy thể hiện tính chuyên nghiệp trong công tác tuyển dụng. Các buổi phỏng vấn được tổ chức đúng giờ và nếu có bị chậm trễ chút đỉnh thì ứng viên được ngồi đợi ở nơi trang trọng, kín đáo, được mời nước và kèm theo lời giải thích, xin lỗi. Các ứng viên thường được mời lệch giờ nhau và được bố trí sao cho người này không gặp người kia.
Trong lúc phỏng vấn, hãy luôn tỏ thái độ tôn trọng ứng viên. Hãy coi ứng viên mà công ty bạn tuyển dụng là một “đối tác” và phương châm của buổi phỏng vấn là hai bên cùng tìm hiểu nhau, cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác, chứ hoàn toàn không có khái niệm “xin và cho”. Kết thúc phỏng vấn, ứng viên thường nhận được thư cám ơn và thông báo kết quả rõ ràng.
Các công ty hãy bắt đầu từ việc xây dựng “văn hóa tuyển dụng”. Đây chính là chìa khóa then chốt cho bài toán nhân sự hiệu quả trong quá trình gầy dựng thương hiệu chuyên nghiệp cho các công ty. Văn hóa tuyển dụng cũng chính là cửa ngõ giao tiếp đầu tiên giữa công ty với ứng viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng, với một ấn tượng, cử chỉ đẹp ban đầu bao giờ cũng sẽ là tiền đề đối với sự hợp tác lâu dài và gắn kết.
JOGO Team
Discussion about this post