Thế hệ Y là thế hệ sinh từ năm 1980 đến 1998 (19-37 tuổi), chiếm 32% dân số thế giới và 35% dân số Việt Nam. Sở dĩ thế hệ này được nhắc đến nhiều vì đang và sẽ là thế hệ chủ chốt trong lực lượng lao động toàn cầu, đồng thời cũng là đối tượng tiêu dùng chính mà nhiều nhãn hàng hướng đến.
Nhu cầu của thế hệ Y
Muốn gì phải được ngay lập tức là suy nghĩ của thế hệ Y. Họ không ngại khó nhưng ngại chờ. Yếu tố “tức thì” cũng là cốt lõi mà nhiều sản phẩm, dịch vụ bằng mọi giá đạt được để chinh phục nhóm đối tượng này. Đây cũng là một điểm nhà tuyển dụng cần lưu ý.
Một khảo sát gần đây của Nielsen gây chú ý về khái niệm “người kết nối”. Họ là nhóm người trẻ, có thời gian kết nối internet nhiều (24,7 giờ/tuần), có mức chi tiêu cao. Dự kiến lớp người kết nối sẽ tăng hơn 70% tại Việt Nam, đạt 40 triệu người với tổng chi tiêu gần 100 tỉ đồng/năm sau 10 năm nữa.
Một nghiên cứu gần đây của Công ty Tetra Pak cho thấy 40% thế hệ Y muốn tham gia vào việc hợp tác để tạo nên các sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Các hoạt động “Out-of-home” cũng phổ biến hơn so với thế hệ trước.
Thế hệ Y quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sắc đẹp và đề cao “sống xanh”. Họ cũng là những người tích cực trong công tác thiện nguyện, đấu tranh cho bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, tài nguyên. Hiểu được nhu cầu của họ, doanh nghiệp sẽ thành công hơn khi tuyển dụng thế hệ Y.
Thế hệ Y trong doanh nghiệp
Thế hệ lớn tuổi Baby Boomer dần bước vào độ tuổi nghỉ hưu và được thay thế bởi việc tuyển dụng thế hệ Y trong các vị trí quản lý và nhân sự cấp cao.
Nghiên cứu của Kantar Worldpanel cho biết thế hệ Y có trình độ giáo dục và nghề nghiệp tốt hơn, tỉ lệ nhân viên văn phòng, tự làm chủ cao hơn thế hệ trước. Tuy vậy, họ có những đặc tính nhất định cũng như yêu cầu cần được đáp ứng để gắn bó lâu dài với tổ chức. Thế hệ Y luôn bị hấp dẫn bởi cái mới và táo bạo trong những lựa chọn nghề nghiệp và quen làm nhiều việc cùng lúc.
Lương không còn là yếu tố quan trọng
Theo khảo sát của Anphabe, lương cao không còn là yếu tố quan trọng nhất đối với thế hệ Y khi đi làm. Họ muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này không đơn giản chỉ là 8 giờ lao động mà còn có thời gian riêng cho cuộc sống cá nhân.
Nhà tuyển dụng nào tạo được môi trường làm việc tốt, giao việc, trao quyền để họ làm được điều họ thích, có một lộ trình thăng tiến và đào tạo rõ ràng, tưởng thưởng hợp lý sẽ tuyển dụng thành công và giữ chân được thế hệ Y.
Gần như tất cả các công ty lớn đã triển khai các chương trình hấp dẫn để tuyển dụng và giữ chân người tài. Được áp dụng từ năm 2016, quy trình mới của Unilever được thiết kế sử dụng trên những thiết bị di động như laptop, điện thoại. Toàn bộ quy trình cũ từ nộp đơn – làm kiểm tra – phỏng vấn – làm bài theo nhóm – thuyết trình – gặp lãnh đạo được loại bỏ. Thay vào đó, sau khi nộp đơn online, ứng viên được chơi qua 12 trò chơi, mỗi trò 2 phút được thiết kế nhằm bộc lộ tính cách ứng viên, giúp Unilever lọc được những ứng viên tiềm năng.
Chuyển việc gấp 3 lần thế hệ khác
Theo Gallup, trong 1 năm có 21% nhân viên thế hệ Y chuyển việc. Cao gấp 3 lần so với những thế hệ khác.
Một bí quyết để doanh nghiệp tuyển dụng thành công và hạn chế nhân viên chuyển việc chính là hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp, áp dụng tùy từng nhóm công việc mà đặt ra những yêu cầu cụ thể về kỹ năng và nhân lực, miêu tả các trách nhiệm chính để đảm trách được công việc đó. Từ đó, thế hệ Y sẽ có kế hoạch phát triển hoặc ứng cử vào những vị trí cao cấp hơn. Thay vì cứ chuyển việc 1-2 năm/lần, thì nay thế hệ Y có thể luân chuyển trong nội bộ công ty.
Theo Trí thức trẻ
Discussion about this post