Hơn 75% các ứng viên đều tìm kiếm thông tin của nhà tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, website hoặc báo chí trước khi quyết định ứng tuyển và đến tham dự phỏng vấn. Đừng bao giờ để tuột mất các ứng viên tiềm năng chỉ vì những hình ảnh không tốt.
Nếu bạn muốn nhiều nhân tài đến với mình, hãy xem xét những yếu tố sau đây có ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng.
1. Thể hiện rõ mọi quyền lợi cho nhân viên
Thử xem lại các bảng mô tả công việc, tài liệu nhân sự hay thông tin tuyển dụng và đánh giá xem công ty đã đề cập đầy đủ những lợi ích quan trọng của nhân viên hay chưa. Ví dụ như: công ty trả tiền để nhân viên tham gia các khóa đào tạo, thậm chí còn cắt bớt thời gian làm việc để giúp họ tham gia các lớp học, công ty giúp nhân viên tìm chỗ ở hay tổ chức những kỳ nghỉ dành cho nhân viên. Tất cả những quyền lợi này rất giá trị với các ứng viên, nhưng bạn lại không đề cập đến.
2. Nhân viên trở thành “đại sứ thương hiệu”
Khi nhân viên hiện tại trở thành “đại sứ thương hiệu” cho công ty cũng đồng nghĩa với việc tuyển dụng thông qua giới thiệu sẽ tăng lên. Nhân viên càng nói tốt, nhận xét tích cực về công ty thì bạn càng có nhiều cơ hội làm việc cùng các ứng viên giỏi hơn. Và ngược lại, những nhân viên bất mãn thì điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu không chỉ thực hiện bên ngoài mà còn cần thực hiện tốt ở bên trong trước.
Nhân viên làm việc cho các thương hiệu mạnh thường phấn khởi và giàu nhiệt huyết hơn. Thái độ tích cực của nhân viên là một tài sản lớn với nhà tuyển dụng, vì nó giúp nhân viên có năng suất làm việc cao hơn, hiệu quả hơn và góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Điều này cũng đưa đến những kết quả khả quan hơn trong kinh doanh và góp phần tạo nên sự ổn định tài chính cho công ty – điều khiến cho doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn với ứng viên tiềm năng.
Còn nếu doanh nghiệp không xây dựng được một thương hiệu tuyển dụng mạnh, các ứng viên tài năng sẽ không nhận biết được những lợi ích khác biệt mà doanh nghiệp mang lại cho nhân viên. Hơn nữa, nhân viên cũng không cảm thấy an toàn và mốn gắn kết lâu dài với công ty.
Hãy hình dung trường hợp một ứng viên tiềm năng có thể từ chối lời đề nghị của một công ty vì họ không tìm thấy đủ quyền lợi mà họ cần. Có thể doanh nghiệp này cũng có nhiều quyền lợi dành cho nhân viên nhưng đã không nhấn mạnh hoặc đề cập cụ thể.
3. Xây dựng và chia sẻ những nét văn hóa công ty
Để thu hút những tài năng hàng đầu, doanh nghiệp cần mang lại một trải nghiệm khác biệt so với các công ty khác. Bất cứ công ty nào cũng có thể cung cấp một việc làm, nhưng có rất ít công ty mang lại văn hóa làm việc khiến cho mọi người đều khao khát. Bộ phận nhân sự của công ty cần dùng những điểm tuyệt vời, khác biệt trong văn hóa công ty để xây dựng hình ảnh thương hiệu của nhà tuyển dụng.
Và chính đội ngũ nhân viên cũng góp phần xây dựng thương hiệu cho công ty. Hãy làm cho họ yêu nơi làm việc và công việc, để rồi những điều tốt đẹp về công ty sẽ lan truyền. Nếu công ty tổ chức các sự kiện hấp dẫn, thú vị, đừng quên lưu lại các hình ảnh đẹp và đăng tải trên blog hay các mạng xã hội.
4. Nội dung tuyển dụng hấp dẫn
Đừng đăng tin tuyển dụng của bạn kém hấp dẫn giống như một danh sách dài dằng dặc các yêu cầu kinh nghiệm và kỹ năng. Hãy biến những thông tin tuyển dụng trở nên thu hút và sống động hơn. Đăng tin tuyển dụng bằng một đoạn video giới thiệu cả công ty và môi trường cũng là một gợi ý hay. Theo khảo sát, tin tuyển dụng bằng video thu hút hơn 34% so với một thông tin việc làm bằng văn bản. Đừng bỏ lỡ ứng viên tài năng chỉ vì nội dung kém hấp dẫn.
Xây dựng thương hiệu tuyển dụng là xu hướng tuyển dụng nổi bật trong những năm gần đây, giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài và tuyển dụng được những ứng viên hàng đầu. Dành thời gian để đánh giá những yếu tố liên quan đến việc xây dựng và quản lý thương hiệu có thể giúp bạn đánh bại các đối thủ cạnh tranh.
Nguồn: Sưu tầm
Discussion about this post