Tất cả những người làm công tác tuyển dụng, quản lý nên học tập lời khuyên đơn giản mà sâu sắc này từ Steve Jobs.
Steve Jobs là người có cái tôi lớn. Tuy nhiên ông luôn hiểu rõ vị trí của mình trong thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện nay:”Không có lý do nào chúng ta tuyển những người tài giỏi mà còn phải chỉ cho họ biết phải làm những gì. Chúng ta phải tuyển những người giỏi để họ nói cho chúng ta biết phải làm gì”. Câu nói thật tài tình và thâm thúy.
Nhiều nhân vật lớn cũng đồng ý với quan điểm này, như Lee lacocca cũng từng nói: “Tôi thuê những người thông minh hơn tôi và họ phải cố gắng, nỗ lực hơn bình thường”. Cả Jobs và lacocca đều đang ám chỉ đến một kiểu người: Nhân viên trí thức.
Thuật ngữ “nhân viên tri thức” được tạo ra bởi chuyên gia quản lý Peter Drucker năm 1959, chỉ nhóm người sử dụng tư duy, suy nghĩ của mình để kiếm sống. Họ dùng “cái đầu” để lập kế hoạch, phân tích, tổ chức, thử nghiệm, phân phối, tìm kiếm, tiếp thị trong nền kinh tế tri thức, chứ không phải lao động bằng tay chân.
Drucker đã từng nói rằng nâng cao năng suất của các nhân viên tri thức là đóng góp quan trọng nhất của các nhà quản lý trong thế kỷ 21. Điều đó dẫn đến câu hỏi: Làm thế nào để bạn quản lý những con người có suy nghĩ độc lập, không muốn bị kiểm soát, quản lý? Bạn trả lương cho họ như thế nào?
Điều này rõ ràng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo tốt và bạn cũng không nhất thiết phải thông minh hơn họ. Dưới đây là 3 cách mà các nhà lãnh đạo có thể thu hút và truyền cảm hứng cho nhân viên của mình.
1. Trao quyền quyết định cho nhân viên
Trong nền kinh tế tri thức, các kiểu quản lý có thứ bậc từ trên xuống dưới (top-down) thường chỉ mang tính một chiều và không mang lại hiệu quả. Bởi nhân viên thường nhận thức rõ hơn và biết nhiều hơn người quản lý về lĩnh vực chuyên môn của mình. Hơn nữa, họ cũng rõ hơn về nhu cầu, mong muốn để giúp khách hàng có những trải nghiệm phong phú hơn. Drucker có lời khuyên đến các nhà quản lý: “Các nhân viên tri thức phải quản lý chính họ. Họ phải có sự tự quản”.
Ngược lại, các tổ chức, cơ quan hoạt động hiệu quả cao khi họ trao quyền cho các nhân viên. Thông tin sẽ được chia sẻ công khai và mọi người có thể sử dụng nó để đưa ra những quyết định đúng đắn một cách nhanh chóng.
2. Hỗ trợ và dẫn dắt làm việc nhóm
Trong nền kinh tế tri thức, các lãnh đạo phải đầu tư nhiều thời gian vào những nhân viên có giá trị nhất để thực sự hiểu bản thân và khả năng của họ. Nhà lãnh đạo phải đảm bảo có sự liên kết giữa mục tiêu cá nhân của nhân viên với mục tiêu kinh doanh của công ty. Khi có sai lệch, các nhà lãnh đạo phải tìm ra cách sắp xếp để mọi người cùng hài lòng.
Khi muốn trở thành một lãnh đạo thực sự thay vì là người quản lý, bạn cần hỏi các đồng nghiệp về cách có thể hoàn thành công việc tốt hơn chứ không chỉ đơn giản là tự mình phải giải quyết. Đó là một dấu hiệu để họ biết rằng bạn quan tâm đến ý kiến và chuyên môn của họ, bạn không phải là một kẻ ngạo mạn chỉ biết làm theo ý mình.
3. Nói ít đi, nghe nhiều hơn
Điều này thực sự rất quan trọng nếu muốn thành công. Xây dựng các mối quan hệ cá nhân là cách tốt nhất để đảm bảo rằng nhân viên của bạn cảm thấy họ được lắng nghe. Điều này có nghĩa là các nhà lãnh đạo sẽ cần lắng nghe nhu cầu của nhân viên, biết được vấn đề quan trọng nhất đối với họ và thực sự tìm cách giúp họ phát triển.
Các nhà lãnh đạo cần lắng nghe những ý tưởng và quan điểm từ nhân viên cấp dưới. Kỹ năng nghe không phải tự nhiên mà có, phải có sự thực hành bởi vì nó đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và niềm tin tích cực vào sức mạnh và năng lực của người khác. Ngoài ra, chiến thuật lắng nghe cũng đòi hỏi sự kết hợp của tự tin và khiêm tốn mà đa số chúng ta không tự tin có được.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng: Nhu cầu phổ biến của các nhân viên tri thức không giống với nhu cầu chung của tất cả chúng ta. Đó là được làm những công việc có ý nghĩa, được tôn trọng, được cộng tác với những con người xuất sắc, chia sẻ các giá trị và cuối cùng tạo ra được những tác động tích cực đến thế giới.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Discussion about this post