Bạn là chuyên viên tuyển dụng hay người phụ trách nhân sự của công ty, có câu hỏi dành cho bạn hôm nay đây: “Nên hay không nên tuyển người hay nhảy việc?” Chắc có lẽ sẽ không nhiều ngạc nhiên nếu suy nghĩ đầu tiên đến với bạn là “Lựa chọn người thiếu gắn bó và hay thay đổi kế hoạch ư? Tôi sẽ không chọn để loại bớt rủi ro.”
Giả định trên là tình huống cực kỳ quen thuộc và mọi người hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi đã có không ít doanh nghiệp từng gánh chịu ảnh hưởng xấu từ những tác động ngoài ý muốn và cũng không thiếu các nhà quản lý nhân sự phải buồn bực, mệt mỏi vì nhân viên mình cứ dứt áo ra đi ngay khi chỗ ngồi của họ còn chưa kịp nóng. Nhưng chậm lại một chút nào, sau tất cả, có phải những hệ quả không vui ấy đã đủ trở thành lý do khiến chúng ta từ chối tuyển chọn một người tài năng vào tổ chức, chỉ vì anh ta hay “bay nhảy”? Câu trả lời là không, hoàn toàn không. Rất nhiều chuyên gia tuyển dụng và các quan điểm về quản lý nguồn nhân lực trong thời hiện đại đã chỉ ra rằng đây là hai vấn đề hoàn toàn tách bạch. Cùng phân tích với chúng tôi nhé!
Có khá nhiều luận điểm khác nhau, tuy nhiên dưới đây là 2 lý do cơ bản nhất mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn, là lời đáp cho câu hỏi có nên thuê một người hay nhảy việc để “điền vào chỗ trống” nhân sự cho công ty hay không:
Đầu tiên, lịch sử làm việc của một người lao động là dữ liệu rất đáng để nhà tuyển dụng quan tâm. Các thông tin đó mang đến cái nhìn tổng quan, bao gồm kinh nghiệm, kỹ năng lẫn xu hướng làm việc của cá nhân đó. Nhà tuyển dụng còn có thể dựa vào đó dự đoán về những mối quan tâm, mục tiêu nghề nghiệp, kế hoạch tương lai của ứng viên. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, lịch sử làm việc chưa bao giờ là yếu tố quan trọng nhất quyết định một người sẽ gắn bó lâu dài với vị trí họ đảm nhiệm. Không ai nghỉ việc chỉ vì thói quen. Người ta thường chấm dứt hợp đồng lao động phần lớn vì những lý do như: công việc quá nhàm chán hoặc bị vắt kiệt sức lực; không thể cải thiện bản thân và thăng tiến nghề nghiệp; lương thưởng chưa tương xứng, sự đóng góp và kết quả làm việc không được thừa nhận; môi trường và văn hóa doanh nghiệp không lành mạnh… Đôi khi, nhân viên sẽ chuyển hướng công việc vì có một thử thách mới thú vị và nhiều tiềm năng hơn xuất hiện. Bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ ai nói rằng họ nghỉ việc do trước nay họ thường hay nhảy việc. Vậy, trong những lần kế tiếp, nếu đối diện với sự ra đi hoặc “chảy máu chất xám”, các nhà quản lý và chuyên viên nhân sự nên tự vấn lại “sức hấp dẫn” của mình trước tiên thay vì suy nghĩ “anh ta lại bỏ đi như trong quá khứ”. Và thế thì cũng đừng lo ngại gì nếu bạn đang cầm trên tay hồ sơ của một ứng viên từng làm qua nhiều vị trí công việc nhé!
Lý do thứ 2, doanh nghiệp phải chấp nhận sự thật rằng không có gì phù hợp và ổn định mãi mãi. Ngay cả bản thân bạn, nhà tuyển dụng, ít nhất cũng phải có dăm lần thay đổi khi thời điểm đến, thế sao cứ đòi hỏi sự gắn bó lâu dài? Nên quên đi những cách đánh giá “Ứng viên này thật tuyệt, đã làm tại công ty ABC trong hơn 10 năm liền!” Thời gian dài hay ngắn không phải là thước đo hiệu quả hay sự phù hợp. Hãy tìm xem trong suốt 10 năm đó, anh ta đã tạo ra thành tích gì nổi bật hay cũng chỉ là những buổi sáng chiều đến công sở điểm danh. Quan điểm tuyển dụng hiện đại đánh giá cao năng lực phù hợp với công việc hơn là sự gắn bó hời hợt, một nhân viên giỏi làm trong thời gian ngắn đôi khi tạo ra hiệu quả lớn hơn nhiều người khác cộng lại. Ngay từ hôm nay, các nhà tuyển dụng hãy cho mình và doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, trò chuyện với những nhân tài thực sự, cân nhắc khả năng của họ so với nhu cầu, bất kể quá khứ họ có thường nhảy việc hay không. Đừng đánh mất ứng viên tiềm năng chỉ vì nỗi lo đã “lỗi thời” rồi nhé!
Nếu đồng tình với các phân tích trên, nghĩa là bây giờ chúng ta đã có đủ “sự cam đảm” để gắn bó tương lai doanh nghiệp với một nguồn lực đầy biến động và khó đoán biết. Vậy hãy cùng nhau xem thêm một thông tin khác, với nội dung tích cực hơn rất nhiều, đó chính là những thế mạnh và lợi ích khi tuyển dụng người hay nhảy việc:
1. Người nhảy việc sở hữu sẵn nhiều bộ kỹ năng và có khả năng học hỏi những điều mới một cách nhanh nhạy, thế nên thời gian đào tạo và bàn giao công việc cho họ có thể sẽ diễn ra rất ngắn.
2. Họ thực sự có kinh nghiệm trong việc nhìn nhận những điều tốt cùng các vấn đề còn vướng mắc tại các phòng ban và của cả công ty. Họ sẽ thường đặt ra những câu hỏi về cách thức làm việc hay vận hành, không phải để đánh đố bạn mà là để hiểu tổ chức rõ hơn đồng thời đưa ra các đề xuất khả thi nhằm tinh chỉnh và cải thiện kết quả.
3. Người nhảy việc không run sợ khi bị rơi vào các tình huống mới và họ luôn chủ động làm quen với môi trường xung quanh mình.
4. Họ đã từng làm việc với rất nhiều người khác nhau với những phong cách giao tiếp, niềm tin và thói quen thực sự khác biệt.
5. Người nhảy việc tích luỹ nhiều kinh nghiệm phong phú và đã học hỏi được những cách thức xử lý vấn đề cực kỳ thông minh và khéo léo từ quá trình đảm nhiệm những công việc trước đây. Họ sẽ mang những kiến thức đó đến đóng góp cho tổ chức của bạn.
Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đã bước sang một thời đại mới, với những nếp nghĩ rất khác. Thế nên, rất cần các nhà tuyển dụng tư duy cởi mở và linh hoạt hơn. Bạn hãy cho phép một sự phối hợp giữa những người có lịch sử làm việc đặc biệt này với đội ngũ nhân viên sẵn có tại công ty. Tin rằng kết quả bạn nhận lại không hề tệ chút nào! Một vài trong số những người ưa dịch chuyển đó sẽ đồng hành cùng công ty trải qua một công việc tuyệt vời kéo dài ít nhất 1-2 năm đấy. Với tinh thần sôi nổi, những “người nhảy cóc” này chắc hẳn sẽ tạo ra sức sống và tiếp thêm năng lượng dồi dào để thúc đẩy cả tổ chức tiến lên phía trước.
Vì thế, nhắc lại một lần nữa để cùng nhau khẳng định điều này: “Đừng e ngại những nhân viên hay nhảy việc! Họ chính là một thông điệp cực kỳ mạnh mẽ và sẽ là người mang làn gió đổi mới từ bên ngoài bức tường vào cho công ty của bạn.”
Discussion about this post