Chọn ứng viên đang chủ động tìm kiếm công việc hay những đối tượng ‘thăm dò’ thị trường?
Ứng viên chủ động là những người đang tìm kiếm một việc làm mới bằng cách ứng tuyển cho nhiều vị trí đang tuyển dụng. Những ứng viên này có thể đang thất nghiệp hoặc đang tìm một ‘bến đỗ’ tốt hơn cho việc làm hiện tại.
Đối với ứng viên thăm dò thị trường hay gọi là ứng viên “bị động”, họ thường đang có một việc làm ổn định và chưa thật sự mong muốn tìm một việc làm mới. Khác với ứng viên chủ động, họ không thường xuyên lên các trang mạng tuyển dụng và gửi hồ sơ ứng tuyển (CV) cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, họ vẫn để mắt đến những cơ hội mới. Có rất nhiều nhà tuyển dụng đang săn đón, chiêu mộ những ứng viên dạng này, dù họ không chủ động ứng tuyển nhưng khi có vị trí trống, nhà tuyển dụng vẫn có được thông tin liên hệ và tìm mọi cách thuyết phục họ nộp đơn, thậm chí tham gia phỏng vấn và nhận việc.
Có thể nhận thấy ở những ứng viên “bị động” hội đủ các yếu tố phù hợp với công việc mà các nhà tuyển dụng yêu cầu là do họ đã có kinh nghiệm vững chắc, làm chủ nhiều kỹ năng giúp ích cho công việc. Nếu chọn nhóm ứng viên này, bạn không mất nhiều thời gian để sàng lọc mà có thể ngay lập tức phỏng vấn, rút ngắn thời gian tuyển dụng.
Vậy tìm kiếm ứng viên bị động ở đâu?
Các trang mạng xã hội
Các trang mạng xã hội như LinkedIn hay Facebook là nơi bạn sẽ phát hiện được nhiều nhân tài ẩn giấu và có thể thông qua mạng xã hội này bạn hiểu thêm nhiều thông tin về ứng viên đó.
Với LinkedIn, chỉ cần gõ từ khóa, bạn sẽ thấy được những người phù hợp với các tiêu chí mà bạn đang tìm kiếm. Bạn có thể áp dụng một số tùy chỉnh nâng cao giống như khi tìm kiếm với Google, chẳng hạn: dấu ngoặc kép “” để tìm kiếm chính xác hơn
Với Facebook, hãy thử sử dụng Facebook cá nhân hoặc tham gia các nhóm chia sẻ kiến thức nghề nghiệp và chủ động giới thiệu bản thân, bạn sẽ kết nối được với một số ứng viên tiềm năng.
Lưu ý lớn nhất khi tìm người qua mạng xã hội là hãy giới thiệu bản thân khi tham gia các trang mạng xã hội và cố gắng tham gia vào các cuộc trao đổi trước khi gửi tin nhắn cho ứng viên bị động để ứng viên không cảm thấy phiền phức khi bị đề cập đến chủ đề này thẳng thừng. Bằng cách đó, khi bạn tiếp cận họ, cuộc trò chuyện của bạn sẽ thoải mái, dễ chịu hơn.
Tham gia hội thảo, sự kiện
Hãy tận dụng những buổi hội thảo, sự kiện chuyên ngành, chuyên đề chia sẻ… để “khoanh vùng” và tiếp cận đối tượng. Gặp mặt và trò chuyện với ứng viên sẽ giúp bạn xây dựng được niềm tin và mối quan hệ. Và đặc biệt khi trong các hội thảo sự kiện như vậy, với tinh thần chia sẻ thì các ứng viên cũng có xu hướng cởi mở hơn, dễ dàng tiếp cận thông tin hơn.
Giới thiệu từ các mối quan hệ
Đồng nghiệp, các mối quan hệ bạn bè, người thân… đều là những nơi giúp bạn khai thác nguồn ứng viên bị động. Đây là hình thức tuyển dụng hiệu quả với những ứng viên có chất lượng, tin cậy và gắn bó với công việc lâu hơn. Bạn sẽ rút ngắn thời gian tuyển dụng hơn so với quy trình thông thường và chất lượng ứng viên thì cao hơn nhiều.
Lọc lại ứng viên từ dữ liệu của công ty
Vì giới hạn số lượng nên bạn có thể đã gửi thư từ chối ứng viên trong quá khứ, những ứng viên không trúng tuyển trong các đợt tuyển dụng trước sẽ có thể là ứng viên phù hợp trong tương lai. Hãy chọn lọc trong danh sách ra những ứng viên tiềm năng, đó là nhóm ứng viên bị động mà bạn đang tìm kiếm đấy.
Ứng viên bị động là một nguồn ứng viên không thể thiếu trong chiến lược tuyển dụng dài hơi của doanh nghiệp. Tuy các ứng viên thụ động không phải thuộc tuýp người dễ thỏa hiệp nhưng bạn hãy thử đưa ra những lời chào mời hấp dẫn, hãy đề nghị công việc mang tính chất dài hạn, chứ không phải sự thay thế ngắn hạn, chẳng ai muốn từ bỏ việc hiện tại để tham gia vào một công việc mơ hồ, không lâu dài để rồi lại phải tìm việc khác và đặc biệt hãy tận tình giải đáp các thắc mắc của ứng viên về văn hóa và những giá trị của công ty cũng như lượng bổng và lợi ích khi làm việc tại công ty đó. Tin rằng với sự chân thành và cách tiếp cận phù hợp, bạn sẽ chiêu mộ được người tài cho công ty.
JOGO Team
Discussion about this post