Bạn đã có một cuộc phỏng vấn cho một công việc bạn mơ ước, các câu trả lời của bạn thật sự tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Kết thúc buổi phỏng vấn bạn nhận được phản hồi là công ty sẽ trả lời kết quả cho bạn sau 5 ngày làm việc. Và sau hơn 1 tuần chờ đợi thì bạn không nhận được thông tin gì?
Có lẽ đây là câu chuyện bạn được nghe hoặc đã gặp rất nhiều lần. Một câu hỏi rất kinh điển đối với ứng viên là “nên chờ bao lâu hoặc làm gì nếu nhà tuyển dụng không phản hồi CV ứng tuyển hay sau mỗi buổi phỏng vấn”.
Theo khảo sát, có hơn 75% ứng viên nói rằng họ không nhận được thông báo từ vị trí mà mình ứng tuyển sau buổi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng cũng đưa ra nhiều lý do để giải thích cho việc không trả lời kết quả của mình.
Có thể là có quá nhiều CV gửi đến khiến họ không thể trả lời tất cả hoặc có thể là nhân viên tuyển dụng quá bận hoặc sếp đi công tác nước ngoài nên chưa duyệt được. Hay đơn giản chỉ là “chúng tôi quên”. Cũng có thể người HR của công ty đó cho rằng “không gửi mail trả lời, ứng viên sẽ tự hiểu là họ rớt”.
Nói chung có hàng ngàn lý do mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra, nhưng không thể phủ nhận rằng đó là sự thiếu chuyên nghiệp của những người làm công tác tuyển dụng nhân sự.
Các nhà tuyển dụng không biết rằng chỉ vài hành động nhỏ trong cách ứng xử thôi cũng có thể mang đến ấn tượng tốt đẹp cho ứng viên. Chẳng hạn như trường hợp bộ phận nhân sự của công ty A khi gọi điện mời ứng viên phỏng vấn đã thông báo chi tiết từng bước quy trình và nhắc kèm cả địa điểm công ty để tránh bị lạc. Rồi khi có kết quả phỏng vấn ở vòng cuối cùng, mặc dù đã rớt nhưng HR cũng gọi điện và giải thích nguyên nhân tại sao rớt. Như vậy, ở đây bộ phận HR đã thể hiện rõ sự chuyên nghiệp trong công việc cũng như sự tôn trọng với ứng viên đó và qua đó sẽ mang lại hình ảnh tốt đẹp cho công ty. Dù ứng viên đó trượt nhưng đã có ấn tượng rất tốt và nếu có ai hỏi về công ty thì cũng sẽ nhận được những phản hồi tích cực dù chưa làm việc ở công ty đó ngày nào.
Sự thiếu chuyên nghiệp sẽ làm mất đi những cơ hội cho cả hai bên. Ứng viên thì mất thời gian và cả các cơ hội mới. Doanh nghiệp cũng sẽ ít nhiều mất sự tôn trọng của ứng viên đối với doanh nghiệp.
Quá trình phỏng vấn cũng như một cuộc nói chuyện vậy, đã có bắt đầu thì hãy nên có một kết thúc. Hoặc là nhà tuyển dụng sẽ từ chối cho những vòng phỏng vấn tiếp theo hoặc sẽ báo kết quả nếu không đạt. Dù là theo cách nào đi nữa thì hãy nên có một kết thúc cho quá trình tuyển dụng đó.
Việc gửi email thông báo tới ứng viên không hề mất nhiều thời gian của nhân sự. Một ứng viên đã phải giành rất nhiều thời gian cho buổi phỏng vấn như chuẩn bị CV, ôn tập kiến thức, thậm chí phải xin nghỉ trên công ty hiện tại để đi phỏng vấn. Các việc đó tốn rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết của ứng viên. Vậy nên là nhân sự, bạn đừng nên tiết kiệm chỉ 15 giây để gửi mail cho ứng viên và thông báo kết quả để họ không phải chờ đợi trong sự im lặng, bạn nhé!
JOGO Team
Discussion about this post