Khi cần tuyển dụng nhân sự cấp cao, các chuyên gia nhân sự thường phải rất vất vả mới tập hợp được một số ứng viên, nhưng thông qua các phương pháp tuyển chọn truyền thống, đôi lúc họ không phát hiện được ở các ứng viên những tố chất đang cần.
Vì vậy công việc tuyển dụng hoặc không thành công hoặc chưa đạt được đúng yêu cầu đã đề ra. Khi ấy, “trung tâm đánh giá” có thể là giải pháp tốt. Đó là một phương pháp mới, hỗ trợ các nhà tuyển dụng có một cái nhìn toàn diện hơn đối với ứng viên.
Trung tâm đánh giá là một hình thức tận dụng trình độ của một số chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm để sử dụng các kỹ thuật đã được chuẩn hóa nhằm nhận dạng chính xác năng lực của các ứng viên, giúp các ứng viên có cơ hội bộc lộ những kỹ năng mà họ sở hữu trong nhiều tình huống khác nhau.
Trung tâm đánh giá thường được vận dụng khi cần tuyển dụng cấp chuyên gia quản lý và giám sát. Các ứng viên được đặt vào những tình huống tương tự như những gì họ thường gặp trong công việc, trải qua một chuỗi các hoạt động nhóm, các cuộc phỏng vấn và các bài trắc nghiệm để chứng tỏ họ có các kỹ năng cần thiết đối với vị trí họ ứng tuyển.
Trong tài liệu hướng dẫn xuất bản năm 2009 mang tên Guidelines and Ethical Considerations for Assessment Center Operations (tạm dịch: Nguyên tắc chung và những điều cần lưu ý về cách xử thế hoạt động của trung tâm đánh giá) có đề ra một số chuẩn mực như sau:
1. Nhà tuyển dụng xác định năng lực của ứng viên thông qua một bài kiểm tra, cho phép ứng viên nêu ra sự nhìn nhận và phân tích của mình về công việc cùng các hành vi ứng xử có liên quan.
2. Những quan sát hành vi do các chuyên gia đánh giá ghi nhận được sẽ được quy về trình độ năng lực thực sự của ứng viên, chẳng hạn kiến thức, kỹ năng hoặc kinh nghiệm.
3. Có nhiều công cụ để đánh giá ứng viên, chẳng hạn trắc nghiệm, phỏng vấn, bảng câu hỏi và yêu cầu mô phỏng công việc… nhằm cung cấp được đa dạng thông tin về năng lực của ứng viên.
4. Các chuyên gia được mời tham gia đánh giá ứng viên phải được tập huấn và thống nhất về những yêu cầu năng lực cần có của ứng viên.
5. Mỗi chuyên gia có thể tùy chọn công cụ thích hợp nhất để vận dụng trong việc phát hiện ra các khả năng của ứng viên.
6. Từng chuyên gia sau khi quan sát, ghi nhận và đánh giá cách ứng xử của ứng viên có nhiệm vụ viết một bản đánh giá, nêu những ý kiến độc lập của mình về ứng viên đó dưới nhiều góc độ khác nhau.
7. Trong một cuộc họp trung tâm đánh giá, các chuyên gia được nghe báo cáo tổng hợp về năng lực của ứng viên (được chắt lọc từ các bản đánh giá của từng chuyên gia) theo các tiêu chuẩn cụ thể (có thể đánh giá bằng điểm số hoặc mức độ đạt, không đạt hoặc xuất sắc). Căn cứ vào kết quả đó, trung tâm đánh giá sẽ bỏ phiếu để có kết quả đánh giá cuối cùng về ứng viên.
So với các phương pháp tuyển dụng truyền thống, phương pháp trung tâm đánh giá mang tính khoa học và khách quan cao hơn, đồng thời cho phép phát hiện được toàn diện hơn những năng lực của ứng viên nên người được chọn thường hội đủ được mọi yêu cầu cần thiết và sẽ phát huy ngay được khả năng của mình trong công việc mới. Phương pháp này cần được chuẩn bị chu đáo, tốn thời gian, nhưng bù lại, có thể doanh nghiệp sẽ được sở hữu một tài năng quản trị vượt hơn cả kỳ vọng.
Theo Tri Thức Trẻ
Discussion about this post