Nếu không “quản trị” mà “quản lý” thì đội ngũ có “bao nhiêu người cũng không đủ”
Trong một buổi chia sẻ mới đây, GS Phan Văn Trường có dịp kể lại thời gian làm lãnh đạo đầy ly kì ở tập đoàn năng lượng đa quốc gia Alsthom Power. Trong đó, có cả chuyện thuyết phục người khuyết tật hỗ trợ mình.
Quản trị biến nhân viên bình thường thành người phi thường
“Cả phía bên trái của người đó bằng nhựa hết do từng bị tàu metro nghiến,” GS kể. Khi GS Phan Văn Trường – lúc ấy là Phó Tổng giám đốc của Alsthom Power – nhìn thấy năng lực của người đó và gọi anh ta đến, người này trông như “ngựa bất kham,” nói: “Hãy để tôi yên.”
Nhưng GS bảo:
– Anh không có chân trái tay trái tôi mới gọi anh ra.
Người này rất ngạc nhiên. GS nói tiếp:
– Vì không có tay trái chân trái mà còn tồn tại đến ngày nay thì phi thường rồi, tôi cần những người phi thường.
Nghe vậy, người này rất xúc động, liền đồng ý hợp tác. Về sau chính người khuyết tật đó đã tận tâm cống hiến, góp phần giúp Alsthom Power thắng được siêu dự án với giá trị hàng tỉ đô la.
“Quản trị là tạo động lực,” GS Phan Văn Trường
GS nói: “Từ những con người rất tầm thường, thậm chí kém cỏi, mình biến họ thành anh hùng.
Bình thường mình chỉ rút từ một nhân viên khoảng 60%. Nhưng những người có động lực cao thì mình có thể lấy được 120, 140% từ năng lực năng lượng của họ.”
“Mà ngược lại, nếu mình không quản trị giỏi mà quản lý, thì chính những nhân viên đó có thể trở thành những người tầm thường, nếu không muốn nói là đôi khi kém cỏi,” GS Phan Văn Trường nhận định.
Theo GS, trong những công ty lớn thường có tình trạng người “cất trong tủ” là vì thế: Họ rất tài năng nhưng không muốn hợp tác, bản thân họ nản và không tin vào người lãnh đạo, dẫn đến không đóng góp được gì cho đội ngũ.
Nếu không “quản trị” mà “quản lý” thì đội ngũ có “bao nhiêu người cũng không đủ”
Giáo sư nói thêm, từ việc biến một người bình thường thành phi thường, nghệ thuật quản trị có thể giúp một một tập thể bình thường “làm được những điều kinh khủng trên thế gian.”
“Khi mình có năng lượng, năng lực của người đó thì người ta sẵn sàng làm việc nhóm, sẵn sàng trao đổi. Tức là công ty của mình không chỉ có nhiều người giỏi, mà là tập thể còn gấp đôi lần ba lần tập thể trước kia giữa những người không có động lực.”
Trái lại, nếu không quản trị mà “quản lý” thì đội ngũ có “bao nhiêu người cũng không đủ.”
Giáo sư ví dụ:
“Khi một đội 10 người than thiếu người, thường thường do 10 người không làm việc nổi với nhau. Mất 60% thời gian để đánh nhau rồi.
“Khi quản lý, nếu bảo 10 người không đủ thì mình thêm 3 người nữa, thành 13 người nhưng không bao giờ đủ cả, vẫn thấy thiếu.”
Giáo sư Phan Văn Trường cho biết, khi càng thiếu người và càng thêm người thì người lãnh đạo của đội đó lại càng thích mướn người, bởi vì lúc đó người ta đi vào vòng luẩn quẩn – họ cho rằng họ càng đông người thì càng có vị trí lớn trong công ty. “Tức là người quan liêu tự nuôi tính quan liêu của người ta,” GS nhận định.
Trong khi đó, theo GS, quản trị tốt giống như leo núi: Dây leo núi 8 người thì vừa vặn. Mà ít hơn 8 người thì không đủ, nhiều hơn 8 người thì thừa. Vì ít hơn 8 người không đủ vì phải đem đầy đủ nồi niêu lều chõng thức ăn thức uống… Còn nhiều hơn 8 người thì dây leo núi nặng quá.
“Quản trị tốt là lập đội ngũ vừa đủ. Đội leo núi nhanh nhất là đội không thiếu không thừa.”
“Quản lý rất dễ,” giáo sư nói, “Cứ ngồi đó thôi, rồi gọi người vào, tao cho mày làm phụ tá, mày làm việc tao kiểm soát, cứ kiểm soát ra kiểm soát vào. Công ty năm được năm không, năm tốt năm xấu. Nói chung là lai rai.”
Lãnh đạo thấp lâu lâu thì thắng. Người quản trị giỏi thì bách chiến bách thắng,” GS kết luận.
Theo Tri Thức Trẻ
Discussion about this post