Sự khác biệt thế hệ có thể tạo nên những căng thẳng không mong muốn trong môi trường làm việc. Các nhân viên kỳ cựu nhìn “những anh chàng/cô nàng trẻ tuổi mới đến” như kẻ dễ dàng được đặc quyền, đặc lợi và thiếu kiên nhẫn. Còn thế hệ trẻ thì thấy đồng nghiệp lớn tuổi hơn đang cản trở đường đi của họ, e ngại những thay đổi mà họ đang mang lại cho doanh nghiệp.
Cách nhìn nhận định kiến giữa các thế hệ làm cho sự hợp tác và truyền thông nội bộ khó khăn hơn. Là người giám sát toàn bộ tổ chức, trách nhiệm của CEO (giám đốc điều hành) là phá vỡ những rào cản này và khích lệ sự gần gũi, gắn kết, dù đó là một thách thức.
Các nhà quản trị hiện nay phải điều hành nhiều thế hệ khác biệt trải dài từ 5X đến 9X cùng chung một mái nhà. Phần lớn CEO hiện tại thuộc thế hệ sinh từ thập niên 1950-1970. Khi mà thế hệ thiên niên kỷ bắt đầu tham gia lực lượng lao động từ những năm 2000 (tại nước ta thường được gọi là 8X và 9X) tiếp tục chiếm lĩnh thị trường lao động và đảm nhiệm vai trò quan trọng hơn trong tổ chức của họ, nhà quản trị cần vượt qua định kiến của họ và xây dựng môi trường làm việc đáp ứng mọi thế hệ.
Loại bỏ sự chia rẽ và khích lệ sự gắn kết giữa các thế hệ có thể giúp cho doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hơn. Nếu không có sự can thiệp từ cấp cao, nhân viên sẽ không sẵn sàng bước ra khỏi lối mòn để hợp tác với đồng nghiệp. Điều này liên quan nhiều đến cái tôi và lòng kiêu hãnh. Nhân viên thâm niên không sẵn sàng tìm sự giúp đỡ từ nhân viên mới tốt nghiệp. Tương tự, nhân viên trẻ không hăng hái lên lịch gặp gỡ với nhân viên nhiều kinh nghiệm để tìm lời khuyên, dù cho nó đáng giá thế nào đi nữa.
Điều này đáng buồn nhưng lại là sự thật. Đội ngũ nhân sự bỏ lỡ những sự kết nối giá trị trong văn phòng làm việc của họ chỉ vì sự khác biệt tuổi tác. Rào cản giao tiếp đã hạn chế một tổ chức đạt được hiệu quả tối đa và ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung.
Để đảo ngược khuynh hướng này và thay đổi cách thức mà nhân viên tương tác với nhau, các CEO cần sẵn sàng đứng ra và thúc đẩy những mối quan hệ. Họ là người có thể hành động để làm mạnh mối gắn kết giữa các thế hệ và giảm tác hại của khoảng cách thế hệ đối với doanh nghiệp, tổ chức.
Tạo cơ hội hỗ trợ, cố vấn phát triển sự nghiệp
Triển khai hệ thống hỗ trợ, cố vấn phát triển sự nghiệp (mentoring) trong doanh nghiệp có thể mang lại lợi ích lớn. Dành những khoảng thời gian ngắn trong ngày làm việc để các nhân viên lớn tuổi và nhân viên trẻ có thể giao tiếp trực tiếp là điều có lợi cho tất cả mọi người.
Không chỉ các tân binh được lợi từ sự hiểu biết của các đồng nghiệp có thâm niên mà chính họ cũng có thể chia sẻ kiến thức về công nghệ hiện đại hay bối cảnh đang thay đổi của thế giới công sở với những người lớn tuổi hơn.
“Mentoring” cũng là cơ hội lớn cho phát triển sự nghiệp. Theo kết quả khảo sát về thế hệ thiên niên kỷ của Tập đoàn Deloitte được công bố vào năm 2016, 63% những người tham gia khảo sát thuộc thế hệ này tin rằng kỹ năng lãnh đạo của họ chưa được phát triển một cách đầy đủ. “Mentoring” là một cách giúp hoàn chỉnh những kỹ năng này.
Hình thành các nhóm nhân sự “xuyên thế hệ”
Tạo điều kiện để những nhân viên có “bộ kỹ năng” khác nhau làm việc cùng nhau vì một mục tiêu chung rất có lợi cho doanh nghiệp. Những đội ngũ như thế sẽ mang nhân viên đến gần nhau và xây dựng tinh thần doanh nghiệp.
Đây là cách để nhân viên ở tất cả độ tuổi tương tác với nhau và gắn kết một cách tích cực. Những nhóm như thế cũng đưa các cá nhân có quan điểm khác nhau đến gần nhau. Điều này giúp cho nhân viên hiểu rõ hơn về tư duy và quan điểm của đồng nghiệp đối với những tình huống, dự án và nhiệm vụ khác nhau.
Đón nhận một văn hóa phù hợp với mọi người
Ngày nay, các công ty hàng đầu đang “phá vỡ những bức tường”, nói theo nghĩa đen, tạo nhiều không gian mở hơn để khuyến khích giao tiếp trong lực lượng lao động của họ. Khi đề cập đến chủ đề văn hóa công ty, các CEO cần tự hỏi “Văn hóa của tôi đã bao gồm mọi nhân viên trong văn phòng chưa?”.
Tổ chức các chuyến đi chơi cùng nhau, ăn trưa tại văn phòng và mừng sinh nhật là những cách đơn giản để tạo môi trường thư giãn, thân thiện cho nhân viên. Không chỉ thế, nhân viên cũng sẽ đánh giá cao sếp của họ vì nỗ lực tạo sự gắn kết trong công sở.
Khoảng cách thế hệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các nhà quản trị cần hiểu rõ những sự khác biệt thế hệ này nếu họ có kế hoạch phát triển doanh nghiệp và tạo nên một môi trường làm việc hiệu quả và hạnh phúc hơn.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Discussion about this post