Chuyên gia phỏng vấn Barry Drexler, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận nhân sự ở các tập đoàn lớn như Lehman Brothers và Lloyd Banking, nói rằng bạn sẽ không thể nào đáp ứng được tất cả các yêu cầu được liệt kê trong phần mô tả công việc, và đó là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, Drexler cho biết bạn cũng không nên chia sẻ những thiếu sót của mình trừ khi được nhà tuyển dụng hỏi rõ.
“Đừng tự nguyện làm bất kỳ điều gì không an toàn” – Drexler nói. “Không có lý do gì để bạn phải tự nguyện nói ra những thứ bạn không có, trừ khi là họ yêu cầu”.
Nhưng nếu bạn gặp phải tình huống mà nhà tuyển dụng hỏi về kinh nghiệm hoặc kỹ năng mà bạn đang thiếu, Drexler khuyên bạn sử dụng phương pháp ba bước đơn giản này: Giải thích những gì bạn biết về kỹ năng đó, đưa ra một vài ví dụ về những kỹ năng tương tự mà bạn có và bày tỏ rằng bạn sẵn sàng học hỏi.
“Không có chuyện bạn đi phỏng vấn mà lại chưa bao giờ nghe nói về điều đó hoặc chưa bao giờ làm điều đó trước đây” – ông nói.
Tùy thuộc vào câu hỏi, có thể có những câu hỏi mà bạn đã có kinh nghiệm trong một vai trò tương tự, hoặc có một số thông tin về các kỹ năng hoặc chương trình được yêu cầu để từ đó bạn có thể thảo luận với họ.
Để giải quyết câu hỏi khó này, bạn nên thừa nhận rằng bạn không có kỹ năng nhưng sau đó phải nhanh chóng đưa ra “lý do hỗ trợ” cho câu trả lời đó, ông giải thích.
Drexler lấy một ví dụ đơn giản: Nhà quản lý tuyển dụng hỏi liệu bạn có kinh nghiệm sử dụng PowerPoint không và sự thật là bạn chưa bao giờ sử dụng nó trước đây.
Sự phản hồi đầu tiên của câu trả lời nên là: “Tôi chưa từng sử dụng PowerPoint, nhưng tôi biết PowerPoint được dùng để tạo ra các bài thuyết trình, đồ thị hay các biểu đồ”.
Điều này cho thấy bạn có đọc tin tức, nắm bắt được tình hình và có hiểu biết về kỹ năng được yêu cầu ngay cả khi bạn thiếu kinh nghiệm thực tế , ông nói.
Bước thứ hai là sẽ giải thích những kinh nghiệm tương tự mà bạn có.
Ví dụ: “Tôi đã học các chương trình phức tạp như JavaScript và COBOL, tôi cũng rất thành thạo Excel”. Điều này cho thấy bạn có kinh nghiệm học tập và có thể làm việc với nhiều phần mềm khác.
Cuối cùng, hãy kết thúc hoàn mỹ bằng cách nhấn mạnh sự sẵn sàng học hỏi của bạn.
Chẳng hạn như: “Nếu tôi đã có thể học những chương trình nâng cao, phức tạp này, tôi tin chắc rằng mình hoàn toàn có thể học PowerPoint nhanh và tôi sẵn sàng làm nhiều hơn như vậy”.
Chuyên gia phỏng vấn nói rằng bạn cũng có thể sử dụng cách này trong nhiều tình huống khác.
Ví dụ, nhà tuyển dụng hỏi liệu bạn có kinh nghiệm quản lý hay không? Một phản hồi khôn ngoan chính là: “Tôi không có kinh nghiệm quản lý, nhưng tôi đã từng dẫn dắt một vài dự án khác nhau, tôi biết cách giao nhiệm vụ cho các đồng nghiệp và nhận được các kết quả khả quan. Do vậy tôi chắc chắn rằng tôi có thể quản lý hiệu quả một team ở công ty ngài và sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước tôi”.
Bất kể bạn không có đủ điều kiện trong lĩnh vực nào, Drexler nói, hãy “luôn luôn biến nó từ những gì bạn không biết thành những gì bạn biết”.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Discussion about this post